Trần Chí Phúc - Nhạc Sĩ, Nhà Văn, Nhà Báo

AI ĐỐT RỪNG U MINH – TẶNG NGUYỄN CAO THĂNG - HỘI ÁI HỮU CÀ MAU

30 Tháng Bảy 20159:19 CH(Xem: 8898)
AI ĐỐT RỪNG U MINH – TẶNG NGUYỄN CAO THĂNG - HỘI ÁI HỮU CÀ MAU
Tôi chưa được hân hạnh thấy rừng U Minh, chỉ nghe trong sách vở nói là ở khu vực tận miền nam của đất nước, gần biển thuộc tỉnh Kiên Giang với những cây tràm, cây đước chen chúc mọc trên vùng đất sình lầy tạo thành khu rừng âm u cho nên có tên là U Minh. Nào cá tôm và thủy sản dồi dào, nào là những sản phẩm của rừng như mật ong, dầu tràm làm từ cây tràm, nào là than đước và bao nhiêu thú vật phong phú của khu rừng miền Nam này.

Vào những ngày cuối tháng tư năm hai ngàn lẻ hai, rừng U Minh Thượng đã bị thiêu hủy hoàn toàn và U Minh Hạ còn lại một phần, diện tích cháy lên tới mười mấy ngàn mẫu với bao nhiêu tài nguyên mất đi mà cả mấy trăm năm hay cả ngàn năm thiên nhiên mới tạo dựng lại. Môi trường sinh thái chung quanh bị ảnh hưởng nặng nề chưa kể đến ảnh hưởng kinh tế… Đất đai đã hẹp so với dân số càng ngày càng đông thế mà lại không biết giữ gìn lại phá hủy thêm.

Theo báo trong nước thì cơ quan trách nhiệm đã mua 15 tấn hạt tràm để gieo giống, nhưng biết đến bao giờ rừng mới trở lại nguyên trạng. Một điều rất hiển nhiên cho thấy là rừng bị cháy là do con người chứ không phải do trời. Có kẻ cho là dân đi lấy mật ong đốt bùi nhùi làm cháy rừng, có kẻ đổ thừa vì muốn bắt cá nên làm cạn nguồn nước để cho bùn khô và từ đó dễ bị cháy rừng. Có người bảo rằng từ xưa đến nay rừng cũng bị cháy chút đỉnh nhưng dập tắt, và trong hoàn cảnh chiến tranh bom đạn tàn phá mà rừng U Minh vẫn còn. Nay đất nước hòa bình thế mà rừng bị tiêu hủy hoàn toàn. Vì lý do gì?

Báo chí trong nước dù có ồn ào loan tin nhưng vẫn chưa dám đặt vấn đề mạnh dạn về thủ phạm đã đốt rừng và bộ phận chữa cháy rừng đã không tích cực làm việc. Người ta đồn rằng có một thế lực nào đó vì quyền lợi riêng tư của họ đã làm cho rừng U Minh không còn hiện hữu. Cái chuyện nguyên cả một hệ thống công an buôn bạch phiến để bây giờ lan tràn trong giơí trẻ, cái chuyện cắt đất dâng biển để trả ơn cho Trung Quốc mà họ còn làm được thì sá gì cái rừng U Minh.

Rừng U Minh bị cháy làm Hà Nội cử cả mấy trăm công an vào điều tra chứng tỏ có chuyện lớn. Một người quen từ Mỹ về Sài Gòn có gặp một Pháp kiều và trong lúc xem truyền hình loan tin rừng cháy, Pháp kiều này tỏ vẻ bực mình chê các cơ quan trách nhiệm không biết cách chữa cháy rừng. Người quen bảo là có thể họ biết nhưng không làm thì tên Pháp kiều hỏi là người quen có biết cách chữa không, anh ta cười đáp là biết. Pháp kiều không tin và hai bên đánh cá một chầu ăn tối. Người quen nói là họ có thể dùng mìn gắn vào các cây tràm chưa bị cháy, rồi dùng nước tưới ướt một khoảng đất rộng bên ngoài các cây này tạo khoảng cách để lửa không thể lan ra. Khi lửa tới các cây tràm có gắn mìn thì mìn nổ làm gãy cây xuống để không tạo thêm mồi cho ngọn lửa lan rộng ra. Điều quan trọng nhất là rừng U Minh dưới các cây tràm là cả một nguồn nước dồi dào của các con lạch chằng chịt tha hồ mà xử dụng để chữa cháy. Đại khái là cách chữa rừng như thế, rốt cuộc tên Pháp kiều thua chầu ăn tối.

Người quen cho tôi một chai mật ong của rừng tràm U Minh, có hương vị đặc biệt của cây tràm. Tôi nâng niu không dám uống nhiều vìø từ nay sẽ không còn mật ong tràm nữa vì rừng đã tiêu hủy. Tôi tìm cuốn truyện Hương Rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam để có lại cái không khí của quê hương của cây tràm cây đước đó nhưng không có, tôị nhớ loáng thoáng những trang tả đời sống dân miền này của nhà văn Bình Nguyên Lộc. Tôi nhẩm vài câu thơ của thi sĩ Hồ Đắc Bữu trong bài Rừng U Minh Ta Không Thấy Em mà nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ thành bài hát và ca sĩ Khánh Ly đã trình bày trong một cuốn băng đã mấy chục năm: “ Trên cao gió hát mây như tóc. Tràm đứng như em một dáng gầy. Mỗi con lạch là mỗi xót xa. Mỗi dòng sông là một tuổi già. Thành phố đâu đây chừng mất dạng. Cuộc chiến già nua như tiếng ca.”  Chỉ có mấy câu thơ mà tôi nhớ mãi. Lạch đó, sông đó, nước đầy rẫy mà để rừng cháy, thật vô lý mà cũng thật đau lòng.

San Jose 17-5-2002